MỤC LỤC
Bạn đã nghe nói nhiều về chương trình mỗi xã một sản phẩm- OCOP. Nhưng bạn chưa biết sản phẩm OCOP hạng 3 sao là gì? Cách thức đánh giá, phân hạng OCOP được thực hiện như thế nào? Hy vọng bài viết sau đây của Brandsvip giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Sản phẩm OCOP là gì?
Sản phẩm OCOP là sản phẩm, dịch vụ tham gia vào Chương trình OCOP Quốc gia. Cụ thể, theo Quyết định 919/QĐ-TTg thì sản phẩm OCOP là những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, mang đặc trưng về văn hóa, lợi thế của địa phương.
Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP?
- Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm. Là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu.
- Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm. Là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao.
- Hạng 3 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm. Là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao.
- Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm. Sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.
- Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm. Là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 1 Quyết định số 148/QĐ-TTg.
Sản phẩm OCOP hạng 3 sao là gì?
Căn cứ vào mục 1 và 2, khái niệm sản phẩm OCOP hạng 3 sao có thể được định nghĩa như sau:
“Sản phẩm OCOP hạng 3 sao là sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, mang đặc thù về văn hóa, lợi thế của địa phương, được thương mại ổn định. Và có tổng điểm đánh giá trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm căn cứ theo bộ tiêu chí OCOP.”
Các nhóm sản phẩm OCOP hạng 3 sao?
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm 06 nhóm sản phẩm:
1. Thực phẩm:
-
Nông sản, thủy sản tươi sống: các loại rau, củ, quả, hạt tươi; các loại thịt động vật/gia cầm, thủy hải sản, trứng, sữa tươi;…
-
Nông sản, thủy sản sơ chế: gạo, ngũ cốc, hạt đã qua sơ chế, trà tươi…
-
Nông sản, thủy sản chế biến: trà, cà phê, ca cao,…
-
Các thực phẩm khác: gia vị, đồ ăn nhanh.
2. Đồ uống:
-
Đồ uống có cồn: rượu, đồ uống có cồn khác;
-
Đồ uống không có cồn: nước thiên nhiên, nước khoáng, nước uống tinh khiết, đồ uống không có cồn khác.
3. Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu:
- Thực phẩm chức năng, chế phẩm thuốc đông y/tây y;
- Mỹ phẩm từ dược liệu;
- Trang thiết bị, dụng cụ y tế;
- Thảo dược khác.
4. Hàng thủ công mỹ nghệ:
- Thủ công mỹ nghệ trang trí;
- Thủ công mỹ nghệ gia dụng;
- Vải, sản phẩm may mặc.
5. Sinh vật cảnh:
- Hoa cảnh;
- Cây cảnh;
- Động vật cảnh.
6. Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch:
- Dịch vụ du lịch cộng đồng;
- Dịch vụ du lịch sinh thái;
- Điểm du lịch địa phương.
Cơ sở pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 1 và Phụ lục I Quyết định số 148/QĐ-TTg.
Bộ tiêu chí của sản phẩm OCOP hạng 3 sao?
- Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm). Gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.
- Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm). Gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm.
- Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm). Gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
Cơ sở pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 1 và Phụ lục III Quyết định số 148/QĐ-TTg.
Trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hạng 3 sao?
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã)
- Tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Bao gồm các tiêu chí sau:
+ Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương;
+ Sử dụng lao động địa phương;
+ Nguồn gốc ý tưởng sản phẩm;
+ Bản sắc/trí tuệ địa phương.
- Căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá. Sau đó ban hành Báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về các tiêu chí trên.
2. Công tác đánh giá tại huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Hội đồng cấp huyện). Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
- Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
- UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá. Và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả.
- UBND cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên UBND cấp tỉnh để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Phụ Lục II Quyết định 148/QĐ-TTg
Thành phần Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP hạng 3 sao?
- Thành phần Hội đồng cấp huyện: Có từ 09 đến 11 thành viên, gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện.
- Đại diện các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, thành phần bắt buộc là đại diện các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và Sở quản lý sản phẩm theo quy định tại Phụ lục I.
- Đại diện các phòng, ban chuyên môn, tổ chức có liên quan; chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Phụ Lục II Quyết định 148/QĐ-TTg.
- Các chủ thể OCOP có thể đăng ký sản phẩm để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên, liên tục. (theo kế hoạch và chu trình OCOP của địa phương).
- Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Cơ quan quản lý Chương trình OCOP các cấp thông báo, hướng dẫn các chủ thể đăng ký đánh giá, phân hạng lại sản phẩm theo kế hoạch và chu trình OCOP.
Cơ sở pháp lý: khoản 5 Phụ Lục II Quyết định 148/QĐ-TTg.