Thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng

Thủ tục đăng ký mã số vùng trồng ? Xây dựng vùng trồng gắn với cấp mã số giúp sản phẩm thuận lợi trong tiêu thụ. Nếu không có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói – yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu, thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu tại một số thị trường trên thế giới. Vậy, thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng như thế nào, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng
Thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng

Mã số vùng trồng là gì ?

Theo khoản 1 Điều 64 Luật Trồng trọt 2018, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng được thực hiện như thế nào?

Theo Mục 5 Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV ban hành kèm theo Quyết định 2481/QĐ-BVTV-KH quy định thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng được thực hiện như sau:

Bước 1: Đăng ký thông tin kỹ thuật của vùng trồng

Tổ chức/cá nhân gửi tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số vùng trồng và các thông tin cần thiết về Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh theo mẫu tại phụ lục A của tiêu chuẩn cơ sở này.

Bước 2: Kiểm tra thực địa

– Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (sau đây gọi là đơn vị kiểm tra) có trách nhiệm đi kiểm tra thực địa để xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu ở mục 4 của tiêu chuẩn này, làm căn cứ cấp mã số vùng trồng cho tổ chức/cá nhân đề nghị.

– Việc kiểm tra đánh giá thực địa sẽ bao gồm các công tác: khảo sát thực địa và lấy mẫu kiểm tra thành phần sinh vật gây hại (trong trường hợp chưa xác định được sinh vật gây hại cụ thể tại thời điểm kiểm tra).

– Các nội dung kiểm tra chi tiết tại Phụ lục B của tiêu chuẩn cơ sở này.

Bước 3: Kết quả kiểm tra thực địa

– Đơn vị kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực địa tại vùng trồng; hoàn thành Biên bản kiểm tra thực địa theo phụ lục B của Tiêu chuẩn này.

– Trong trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy vùng trồng cần khắc phục, đơn vị kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra lại theo đề nghị của vùng trồng.

– Đơn vị kiểm tra gửi Cục Bảo vệ thực vật Báo cáo kiểm tra vùng trồng đề nghị cấp mã số theo Phụ lục C của tiêu chuẩn này, kèm theo bản sao Biên bản kiểm tra thực địa, tờ khai kỹ thuật.

Bước 4: Phê duyệt mã số vùng trồng

– Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp mã số từ đơn vị kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành thẩm định và cấp mã số cho vùng trồng đạt yêu cầu; và gửi thông tin chi tiết mã số đã cấp cho nước nhập khẩu.

– Sau khi được nước nhập khẩu phê duyệt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và gửi mã số cho Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để chủ động quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số.

– Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh gửi thông báo bằng văn bản cho tổ chức/cá nhân đề nghị cấp mã số về mã số đã được cấp.

Contact Me on Zalo