MỤC LỤC
- 1 Nhãn hàng hóa là gì?
- 2 Vị trí nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành
- 3 Kích thước nhân hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn
- 4 Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa
- 5 Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành
- 6 Sự cần thiết phải ghi nhãn hiệu đúng theo quy định của pháp luật hiện hành
Hiện nay, ghi nhãn hàng hóa luôn được các doanh nghiệp hết sức quan tâm khi muốn quảng bá sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Vậy ghi nhãn hàng hóa sao cho đúng? Vị trí, kích thước, màu sắc… như thế nào? Mời bạn tham khảo qua bào viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách ghi nhãn hàng hóa sao cho đúng theo quy định hiện hành.
Căn cứ pháp lý
- Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 111/2021/NĐ-CP)
Nhãn hàng hóa là gì?
Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.
Vị trí nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành
Theo quy định tại điều 4 nghị định 43/2017/NĐ-CP , vị trí nhãn hàng hóa như sau:
Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.
Kích thước nhân hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn
Được quy định tại điều 5 nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại khoản 1 điều 2 nghị định 111/2021/NĐ-CP. Theo đó, Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định kích thước của nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
1. Ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định;
2. Kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Kích thước của chữ và số thể hiện đại lượng đo lường thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về đo lường.
Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa
Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng hóa phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hóa.
Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành
(1) Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước và trừ trường hợp quy định tại (4) mục này.(2) Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại (1) mục này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác.Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.(3) Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.(4) Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:
- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;
- Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;
- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;
- Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.
Sự cần thiết phải ghi nhãn hiệu đúng theo quy định của pháp luật hiện hành
- Xác định nguồn gốc hàng hóa và các thông tin cần thiết;
- Thể hiện sự tỉ mỉ, chuyên nghiệp của doanh nghiệp;
- Căn cứ để kiểm tra, đối chiếu xác định chất lượng, tình trạng của hàng hóa;
- Thể hiện tính ưu việt của sản phẩm, gây sự chú ý để người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa;
- Căn cứ để cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý;
- Tránh tình trạng làm giả sản phẩm
- Tăng sức cạnh tranh trên thị trường
- Căn cứ để người tiêu dùng đưa ra sự lựa chọn